print

MANG GIÀY CAO GÓT THƯỜNG XUYÊN SẼ DỄ SUY TĨNH MẠCH

hinh web_logo

Mang giày cao gót làm cản trở sự lưu thông của dòng máu, đẩy nhanh tiến trình suy giãn tĩnh mạch chân ở nhóm người có nguy cơ.

Giày cao gót góp phần tôn vinh nét đẹp đôi chân nữ giới, tạo dáng đi đứng gợi cảm duyên dáng. Tuy nhiên các khảo sát cho thấy mang giày cao gót thường xuyên sẽ cản trở sự lưu thông của dòng máu, làm nặng hơn tình trạng suy tĩnh mạch ở bệnh nhân hoặc góp phần đẩy nhanh tiến trình suy giãn tĩnh mạch chân ở nhóm người có nguy cơ mắc bệnh này.

Hoạt động gập duỗi của cổ chân và sự co giãn của các cơ bắp chân đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển máu trong tĩnh mạch về tim. Khi mang giày cao gót, chân luôn trong tư thế gót trên cao và mũi ở dưới thấp, cổ chân gập hết mức. Tư thế này làm hạn chế cử động cổ chân khiến máu từ đám rối tĩnh mạch bàn chân không được lưu thông tốt. Thêm vào đó, khi các cơ cẳng chân ở tư thế căng liên tục sẽ làm hạn chế hoạt động của các bơm van và cơ ở cẳng chân, ảnh hưởng đến việc bơm máu từ cẳng chân lên cao.

Tư thế mang giày cao gót còn ảnh hưởng đến tĩnh mạch khoeo, một tĩnh mạch sâu nằm sau khớp gối, giữa các nhóm cơ cẳng chân và xương. Tình trạng căng cơ liên tục khi mang giày cao làm cho tĩnh mạch khoeo bị chèn ép liên tục, cản trở dòng máu từ cẳng chân lên tĩnh mạch vùng đùi.

Đặc biệt, ở những người bị bệnh suy tĩnh mạch, luôn có sự quá tải thể tích trong lòng tĩnh mạch do dòng chảy ngược gây nên. Khi họ mang giày cao gót có thể gây ra hệ lụy nặng nề hơn, làm tăng tình trạng ứ đọng, quá tải thể tích, tăng áp lực trong tĩnh mạch, tăng cảm giác đau nhức, nặng chân, mỏi chân.

Lời khuyên cho người bị suy tĩnh mạch không nên mang giày cao gót lâu và thường xuyên. Nếu vì nhu cầu làm đẹp phải dùng loại giày này, bệnh nhân nên mang trong thời gian ngắn và sau đó bù đắp bằng cách tập các bài tập hay chơi những môn thể thao có lợi cho tĩnh mạch chân. Theo khuyến cáo, độ cao của giày dành cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nên dưới 6 cm.

Nguồn: VnExpress. net