print

MẸ BẦU CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ NGĂN NGỪA SUY GIÃN TĨNH MẠCH?

Suy giãn tĩnh mạch được xem là vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Mẹ bầu cần tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách phòng tránh để có một sức khỏe thật tốt.

Suy giãn tĩnh mạch tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng khiến mẹ bầu cảm thấy đau nhức, khó chịu. Bài viết sau sẽ trang bị cho mẹ những kiến thức cơ bản về bệnh để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Suy giãn tĩnh mạch là gì?

Suy giãn tĩnh mạch

Là hiện tượng những tĩnh mạch sưng phồng và nổi lên bề mặt da, chúng có màu xanh hoặc tím, đôi khi gây đau nhức và thường xuất hiện ở chân hoặc những nơi khác. Bệnh trĩ cũng được xem là một dạng của suy giãn tĩnh mạch xảy ra ở vùng hậu môn.

Nếu may mắn, bạn sẽ ít cảm thấy khó chịu với vấn đề suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, đa phần sẽ làm bạn cảm thấy nặng nề ở chân, đau nhức, vùng da quanh tĩnh mạch có thể ngứa hay cảm giác nóng ran như bị lửa đốt. Các triệu chứng có xu hướng tồi tệ hơn vào cuối ngày, đặc biệt nếu bạn đi nhiều, đứng lâu trong ngày.

Suy giãn tĩnh mạch có thể xuất hiện trong thai kỳ hoặc nếu bạn đã mắc phải tình trạng này trước đó thì thai kỳ sẽ làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Tử cung giãn nở gây áp lực lên tĩnh mạch chi dưới, đồng thời làm tăng áp lực ở tĩnh mạch chân.

Tĩnh mạch

Là những mạch máu đưa máu từ các cơ quan, bộ phận của cơ thể về tim, vì vậy máu trong tĩnh mạch chân sẽ hoạt động chống lại trọng lực. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng lên làm tăng áp lực cho tĩnh mạch, thêm vào đó là sự giãn mạch do nồng độ progesterone tăng trong thai kỳ.

Bạn có nhiều khả năng bị suy giãn tĩnh mạch nếu các thành viên khác trong gia đình cũng mắc bệnh này. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới và bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn trong thai kỳ, ở lần sinh kế tiếp cũng như khi bạn đã có tuổi.

Thừa cân, mang song thai, đa thai và đứng lâu cũng sẽ làm cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, suy giãn tĩnh mạch có xu hướng cải thiện sau khi sinh, nhất là nếu bạn không mắc bệnh này trước khi mang thai. Và nếu bệnh không cải thiện và tự bớt thì cũng có nhiều cách để chữa trị.

Các mẹ có thể quan sát các mạch máu nhỏ gần bề mặt da như là trên mắt cá chân, cẳng chân hoặc mặt. Những tĩnh mạch bị giãn trông như mạng nhện, những nhánh cây hay như những đường ngoằn ngoèo. Sự xuất hiện này thường không gây khó chịu và chúng cũng biến mất sau khi sinh.

82717409_3406452936093010_5594888995524837376_o_3406452932759677

Mẹ bầu có thể làm gì để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch?

  • Tập thể dục hàng ngày hoặc đơn giản là đi bộ quanh nhà để giúp máu lưu thông tốt hơn;
  • Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý trong thai kỳ;
  • Nâng cao bàn chân và cẳng chân khi ngồi hoặc nằm nghỉ;
  • Không bắt tréo chân khi ngồi;
  • Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài;
  • Sử dụng vớ y khoa để hỗ trợ.

Những vớ này được bán ở cửa hàng dụng cụ y khoa hoặc quầy thuốc. Vớ y khoa sẽ giúp tĩnh mạch hồi lưu tốt hơn nhờ các lực cơ học. Điều này giúp bạn ngăn ngừa hiện tượng sưng phù ở chân và làm cải thiện bệnh. Mẹ bầu nhớ đi vớ vào trước khi ra khỏi giường vào buổi sáng và mang chúng cả ngày. Điều này có thể làm bạn khó chịu, đặc biệt trong thời tiết nóng nhưng hãy nhớ rằng, giãn tĩnh mạch còn gây khó chịu hơn nhiều bạn nhé!

Hy vọng rằng với những thông tin mà bài viết cung cấp sẽ giúp các bạn có thêm kiến thức bổ ích về bệnh tĩnh mạch để bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn nhé!